Vạn Diệp Tập – Manyoshuu

Login prompting for more information

Description:

VỚI TẤT CẢ SỰ ĐỒ SỘ về khối lượng, sự bao quát lớn lao các tầng lớp sáng tác từ Quốc vương cho đến người đốn củi, từ Hoàng hậu đến cô thôn nữ, từ con hát cho đến bậc Vương tôn, kết hợp với sự phong phú tuyệt vời về đề tài, Vạn Diệp Tập – Manyoshuu không chỉ là kiệt tác của thời đại Nara mà còn xứng đáng là ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản, không chỉ là tổng hòa của thi ca Nhật Bản cổ đại mà còn là tập thơ dân chủ và phản ánh được tâm tình của những con người trên khắp xứ sở mặt trời mọc, xứng đáng là công trình độc nhất vô nhị mà cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một công trình nào được xếp ở vị trí tương đương. Vạn Diệp Tập – Manyoshuu là tập thơ quốc ngữ tối cổ của Nhật Bản, gồm 20 quyển ghi chép chừng 4500 bài thơ, trong đó 4200 là tanka, 260 bài choka và 60 bài sedoka. Về nhan đề Manyoshuu – Vạn Diệp Tập, đến nay vẫn còn ghi nhận bốn thuyết khác nhau để lý giải tên gọi của tập thơ, có người cho rằng Manyoshuu là “vạn lời nói”, người lại hiểu đó là “sách hay truyền đến muôn đời sau”, hay “tập thơ vạn trang giấy”.

Nhưng dù hiểu theo cách nào thì nhan đề cũng mang ý nghĩa thể hiện sự đồ sộ, công phu của thi tập, khẳng định sức sống và giá trị của nó trải qua ngàn đời. Tuy năm biên soạn và tên người biên soạn còn chưa được minh định hoàn toàn nhưng theo sự phỏng đoán, có lẽ đây là một công trình ròng rã nhiều năm. Có thuyết cho rằng Manyoshuu được biên soạn bởi thi hào Otomo no Yakamochi và một số người khác vào cuối thời Nara theo lệnh của Thiên hoàng Junnin.