Login prompting for more information

Description:

Với tấm lòng mong muốn giữ gìn những gì gọi là hồn cốt của dân tộc, hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân đã lưu lại những câu chuyện quý trong tác phẩm “Cổ học tinh hoa” để chúng ta soi mình và nhìn đời sáng suốt hơn.

“Cổ học tinh hoa” bao gồm 250 mẩu chuyện, được hai vị học giả thâu lượm và biên soạn lại chủ yếu từ các tích xưa, các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Các tác giả chọn dịch lại từ Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn Thi ngoại truyện,… để giúp người đọc tiếp cận được những tinh hoa văn hóa, đạo đức từ ngàn xưa.

Mỗi mẩu chuyện nhỏ trong sách đều chứa những triết lý sống rất đơn giản, mang nghĩa lý hàm súc, dồi dào; nói ra hẳn ai cũng biết nhưng đôi khi lại bỏ quên. Kèm theo mỗi mẩu chuyện lại có thêm phần giải nghĩa và lời bàn của nhà soạn giả để lý giải ngắn gọn, rõ ràng hơn về từ ngữ sử dụng trong sách, góp phần dễ đọc, dễ hiểu. 

Ôn cố tri tân. Đọc cũ biết mới. Cuốn sách là những đúc kết trí tuệ vượt thời gian, đầy tính thực tiễn trong xã hội hiện đại. Tuy có tên “Cổ học tinh hoa” nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu. Bởi sau gần 100 năm, cuốn sách vẫn được xuất bản đều đặn bởi những giá trị mà nó mang lại. 

Cuốn sách “Cổ học tinh hoa” do Omega+ xuất bản được in theo bản in đầu tiên, do Vĩnh Long Thư Quán xuất bản năm 1926-1929, có bổ sung hệ thống chú thích. Tác phẩm nằm trong mảng Triết lý Tư tưởng thuộc Tủ sách Đời Người – Tinh tuyển cho người Việt. Là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.

TRÍCH ĐOẠN HAY

Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đễ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sỉ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài này chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện này nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói ‘Nhân’ hồn nhiên như hóa công, ông Mạnh bàn ‘Nghĩa’ chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói ‘Lễ’ thật là đường bệ, Mặc Tử nói ‘Ái’ thật là rộng rãi, hình danh như Hàn Phi Tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử, thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây… Các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ. –

Trích Tiểu tự.

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó, thì chẳng hóa ra nhầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng. Vậy nên, ở đời khi mình làm điều gì khác thường mà người ta không rõ thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay, hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.
Nghèo như Tử Tang, đến đói không có ăn, mà trong lòng không oán cha mẹ, không trách trời đất, chẳng cũng là người cao sĩ ru! Không bù với những kẻ mới nhỡ bước, gọi là hơi nghèo mà đã vội lên giọng oán trách cả người sống, người chết, trời đất, chực những sự muốn làm càn. Còn hỏi tự đâu mà hóa nghèo, nếu đổ cho tại số mệnh như Tử Tang đây, thì cũng hợp với câu phương ngôn: “Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo trưng vẫn nghèo”.
Làm quan đến bậc Tể tướng mà nhà vẫn nghèo, thế là thanh liêm đáng trọng. Để dành được đồng nào lại đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, thế là nhân đức đáng trọng hơn nữa. Có năm trăm hộc thóc cho cả, thế là thương người, đáng phục. Còn chiếc thuyền mình đi cũng cho nốt, thế là quên mình đáng phục hơn nữa. Rõ rằng cha nào, con nấy, hai cha con ông Phạm Trọng Yêm thật là có lòng nhân ái, hiểu thấu cái nghĩa cứu kẻ khốn cùng, giúp người tai nạn là việc vui lòng nhất ở đời.

CÂU QUOTE HAY
Nói đương sướng hả mà nín ngay được; ý đương hớn hở mà thu hẳn được; tức, giận, ham mê đương sôi nổi, nồng nàn, mà tiêu trừ biến mất được; không phải là người rất kiên nhẫn, thì không tài nào được như thế. – Vương Dương Minh
Lập thân không gì khó bằng làm thế nào cho khỏi tủi thẹn; thủ thân không gì khó bằng làm thế nào cho khỏi điếm nhục; phòng thân không gì khó bằng làm thế nào cho ít bệnh tật. – Tuân Sinh Tiên cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững gót để làm người. – Cổ ngữ

Ý NGHĨA BÌA SÁCH
Màu xanh lá chủ đạo: Là màu của thiên nhiên, cây cối, biểu tượng cho sự sống, sức sống trường tồn, vĩnh cửu. Sử dụng gam màu này trên bìa nhằm gửi gắm thông điệp: tinh hoa văn hóa, triết lý – tư tưởng của người xưa có sức sống lâu bền cùng thời gian, qua nhiều thế hệ vẫn còn nguyên tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục. 

Hình ảnh trung tâm lấy cảm hứng từ những bức tranh Tứ quý với 4 loài biểu tượng của văn hóa phương Đông: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Bốn loài cây này được xem như là biểu tượng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm và là biểu tượng của bốn đức tính của người quân tử.
Hình ảnh ô cổng bán nguyệt bên dưới: Là một loại kiến trúc quen thuộc tại một số nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Nó thường được sử dụng trong các tòa nhà cổ, chùa và các công trình kiến trúc quan trọng khác. Cổng bán nguyệt ở đây biểu tượng cho sự khai mở, dẫn lối độc giả vào khu vườn trí tuệ đầy hương sắc của người xưa.

Hình ảnh những bông cúc cổ đại đóa, những họa tiết viền mang đặc trưng văn hóa phương Đông khiến tổng thể bìa sách vừa mang hơi hướng cổ điển, trang trọng vừa gần gũi với tâm thức của người Việt.