Truyện Những Chàng Trai Baltimore – Joel Dicker

Please log in to your account, if available, to access more information.

Detail description:

Tác phẩm

Bốn năm sau vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola, Marcus Goldman đến Floride để tìm cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Anh tình cờ gặp lại Alexandra Neville, mối tình thời niên thiếu mà anh từng đánh mất và giờ đây nàng đã trở thành ca sĩ nổi tiếng.  Marcus vẫn còn yêu say đắm Alexandra và ngay lập tức anh cố gắng tìm ra nguyên do vì sao anh lại từ bỏ nàng. Đắm chìm trong dòng hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ và thời niên thiếu, Marcus đã vẽ nên một bức tranh về những thành viên gia đình Goldman ở Baltimore mà anh một lòng ngưỡng mộ và cũng là cơ duyên dẫn Marcus quen biết Alexandra.

Marcus Goldman, thuộc tầng lớp trung lưu, sinh sống trong một căn nhà nhỏ ở thị trấn Montclair. Cứ tới kì nghỉ hè hằng năm, Marcus đều đến căn biệt thự nghỉ dưỡng xa hoa của bác Saul Goldman ở Baltimore và sống những ngày tháng hạnh phúc nhất với hai người anh họ của mình là Woody và Hillel. Họ tạo thành Những chàng trai Baltimore hay Hội Goldman. Họ là những con người tài năng, nhiệt huyết, là trung tâm chú ý ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện. Nhưng tương lai rực rỡ và vinh quang chói lóa lẽ ra thuộc về họ bỗng chốc sụp đổ chỉ  vì một phút đố kị, lý trí đã bị lòng ghen tuông và sự phản bội hạ gục, khiến cả gia đình rơi vào Thảm kịch.

Suốt nhiều năm trời, Marcus đã phải vật lộn với những gánh nặng đeo đẳng của quá khứ. Tám năm sau Thảm kịch, anh quyết định kể ra sự thật về câu chuyện của chính gia đình mình để xua đuổi nỗi ám ảnh, làm phương thuốc chữa lành mọi nỗi khổ đau.

Một tác phẩm xuất sắc nữa của nhà văn trẻ Joel Dicker sau thành công của Sự thật về vụ án Harry Quebert. Joel Dicker chỉ đơn thuần kể ra một câu chuyện gia đình trong đó những thành viên gắn kết yêu thương nhau, nhưng chính sự ghen tuông, sự ganh đua và phản bội đã đẩy họ tới một bi kịch thảm khốc và không thể vãn hồi.

 Tác giả

Joël Dicker sinh năm 1985 tại Geneva (Thụy Sĩ). Sau thành công vang dội từ Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola (3 giải thưởng văn học danh giá, tác giả Pháp ngữ được đọc nhiều nhất năm 2012), tiểu thuyết Những chàng trai Baltimore là cuốn thứ ba của tác giả ăn khách người Thụy Sĩ này.

Sau khi được xuất bản, tác phẩm nhanh chóng tạo nên làn sóng trong nền văn học châu Âu, hút độc giả vào câu chuyện không-thể-chân-thực-hơn-về-tấn-thảm-kịch-gia-đình của những con người đã đánh mất tương lai và vinh quang của mình chỉ vì lòng đố kị.

Một số trích đoạn trong tác phẩm

Trích đoạn 1:

Bác Saul Goldman là anh trai bố tôi. Trước Thảm kịch, trước những sự kiện mà tôi chuẩn bị kể ra đây, bác Saul là một yếu nhân, nói như cách của ông bà tôi. Bác điều hành cả một hãng luật nổi tiếng nhất Baltimore, và chính bác đã tham dự vào các vụ án nổi tiếng khắp vùng Maryland. Vụ Dominic Pernell, chính bác Saul là người giải quyết. Vụ Thành phố Baltimore kiện Morris, cũng chính là bác. Vụ bán trái phép Sundridge, cũng vẫn là bác Saul. Ở Baltimore, ai cũng biết bác. Bác tôi liên tục xuất hiện trên báo chí và truyền hình. Tôi còn nhớ rõ hồi ấy tôi thấy mọi chuyện ấn tượng mạnh đến thế nào. Bác tôi kết hôn với người con gái mà bác yêu từ thời đại học, sau này trở thành bác Anita của tôi. Trong con mắt trẻ thơ của tôi, bác Anita là người phụ nữ đẹp nhất, là người mẹ dịu dàng nhất. Bác Anita là bác sĩ chủ lực của khoa ung bướu bệnh viện Johns Kopkins, một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất nước. Hai bác có chung với nhau một cậu con trai tuyệt vời tên là Hillel. Anh tôi tốt bụng, có năng lực trí tuệ thiên bẩm cao hơn hẳn người bình thường. Hai chúng tôi chỉ cách nhau vài tháng tuổi và coi nhau như anh em ruột thịt rất thân thiết.

Những thời điểm trọng đại nhất thời niên thiếu của tôi đều xảy ra tại nhà bác Goldman ở Baltimore. Trong một thời kì rất dài, chỉ cần nhắc đến gia đình bác Saul cũng đủ làm cho tôi tự hào và hạnh phúc. Cho tới lúc đó, trong số tất cả các gia đình mà tôi biết, trong số tất cả những người mà tôi gặp, gia đình bác Saul ở một đẳng cấp cao hơn hẳn: hạnh phúc hơn, thành đạt hơn, tham vọng hơn, được tôn trọng hơn. Suốt một thời gian dài, cuộc đời cho thấy tôi có lí. Gia đình bác Saul gồm những con người có tầm cỡ hơn hẳn. Tôi hoàn toàn thán phục cách những con người đó đối diện với cuộc sống một cách đơn giản, lóa mắt trước ánh sáng rạng rỡ mà họ tỏa ra, phục sát đất sự giàu có của họ. Tôi chiêm ngưỡng phong thái đi đứng đĩnh đạc, khối tài sản kếch xù, địa vị xã hội cao của họ. Dinh thự rộng thênh thang, những chiếc ô tô hạng sang, rồi cả khu nhà nghỉ dưỡng mùa hè của gia đình ở Hamptons, căn hộ tại Miami, những kì nghỉ trượt tuyết vào tháng Ba hằng năm ở Whitsler, Columbia thuộc Anh của Canada. Sự đơn giản của họ, hạnh phúc của họ. Lòng tốt của họ với tôi. Sự đẳng cấp diệu vợi khiến bạn cứ tự nhiên mà chiêm ngưỡng. Họ không gây đố kị: họ quá đẳng cấp khiến ta không thấy phải ghen tị. Họ được thánh thần ban phước. Rất lâu, tôi cứ tin sẽ chẳng có gì có thể xảy ra với họ. Rất lâu, tôi cứ tưởng họ vĩnh viễn là như thế.

Trích đoạn 2:

Cách gọi “gia đình Goldman ở Baltimore” là để phân biệt với gia đình tôi, có bố mẹ tôi và tôi sống ở Montclair. Gia đình tôi được gọi là gia đình Goldman ở Montclair, New Jersey. Rồi dần dần, rút gọn cho nhanh, gia đình tôi được gọi là nhà Montclair, còn gia đình bác Saul là nhà Baltimore. Ông bà chúng tôi nghĩ ra cách gọi này trước để nói chuyện cho dễ, nên tự nhiên họ tách biệt hai gia đình theo hai nơi sinh sống khác nhau. Ví dụ như khi tất cả chúng tôi đến Florida nơi ông bà sinh sống để nghỉ lễ, họ có thể nói: “Nhà Baltimore đến vào thứ Bảy còn nhà Montclair tới hôm Chủ nhật.” Mới đầu kiểu phân biệt này chỉ là một cách gọi thân thương hai gia đình, nhưng về sau nó cũng trở thành cách để nêu bật đẳng cấp của gia đình Goldman ở Baltimore ngay trong nội bộ dòng tộc. Thực tế tự nó chứng minh: Nhà Baltimore là luật sư kết hôn với bác sĩ, có hai con trai theo học trường tư hàng đầu thành phố. Còn nhà Montclair có bố tôi là kĩ sư, mẹ tôi là nhân viên bán quần áo thời trang của chuỗi cửa hàng ở New Jersey thuộc một tập đoàn ở New York, còn tôi là cậu học trò trường công.

Ngay cả trong cách diễn tả bằng ngôn ngữ gia đình, ông bà tôi cũng gắn liền giọng điệu để thể hiện tình cảm ưu ái đối với nhà Baltimore: lúc thoát ra khỏi miệng ông bà, từ “Baltimore” cứ như thể được mạ vàng, còn “Montclair” như được nhuốm nhớt ốc sên. Những lời khen ngợi lúc nào cũng dành cho nhà Baltimore, còn nhà Montclair chỉ được nhận những lời bôi bác. Nếu vô tuyến nhà ông bà bị hỏng thì chỉ có thể tại tôi điều chỉnh loạn cả lên; nếu như bánh mì không được ngon thì là tại bố tôi mua. Ổ bánh mì bác Saul mang đến luôn tuyệt hảo, còn nếu như tivi lại hoạt động bình thường thì là nhờ Hillel sửa được. Thậm chí, ngay cả ở những tình huống giống hệt nhau thì cách đối xử cũng khác: nếu như một trong hai gia đình về ăn cơm với ông bà muộn, trong trường hợp nhà Baltimore thì ông bà sẽ nghĩ khổ thân chúng nó, chắc là lại bị kẹt xe. Nhưng nếu nhà Montclair chúng tôi tới trễ, ông bà sẽ chắc mẩm chúng tôi không bao giờ biết đúng giờ là gì. Trong mọi trường hợp thì nhà Baltimore đều là đỉnh của cái đẹp, còn nhà Montclair cần phải cố gắng cải thiện cho tốt hơn. Trứng cá hồi cao cấp nhất của nhà Montclair cũng không bao giờ có thể sánh ngang với miếng bắp cải thối của nhà Baltimore. Khi chúng tôi có dịp cùng với nhau đi nhà hàng hay các trung tâm thương mại, nếu như bất chợt gặp người quen, ông bà tôi sẽ giới thiệu thế này: “Đây là Saul, con trai tôi, một luật sư danh tiếng. Đây là con dâu tôi, Anita, một bác sĩ uy tín của bệnh viện John Hopkins, đây là cháu tôi Hillel, thực sự là một cậu bé thiên tài.” Thế là mỗi thành viên trong gia đình Baltimore sẽ nhận một cái bắt tay và một cái cúi đầu chào hỏi. Tiếp đó, ông tôi hờ hững giới thiệu gia đình chúng tôi, nói luôn một lèo cả bố mẹ và tôi: “Còn đây là con trai út của tôi và vợ con nó.” Thế là chúng tôi nhận được một cái gật đầu chào khá là giống với cái kiểu người ta gật đầu chào bảo vệ tòa nhà hoặc người giúp việc.

Khi tôi còn nhỏ, có một sự cân bằng hoàn hảo duy nhất giữa hai gia đình Goldman, Goldman ở Baltimore và Goldman ở Montclair, đó là số thành viên mỗi gia đình: hai gia đình chúng tôi, mỗi gia đình đều có ba người. Nhưng nếu như theo thống kê dân số chính thức thì gia đình Goldman ở Baltimore có ba thành viên, còn những người biết rõ gia đình này sẽ nói rằng họ có bốn người. Bởi vì rất nhanh sau đó, anh họ Hillel của tôi, người mà cho đến tận lúc đó vẫn chia sẻ với tôi tất cả những thói hư tật xấu của một đứa con một, đã nhanh chóng may mắn có một cậu em trai. Tiếp theo sau chuỗi sự kiện mà tôi sắp kể chi tiết đây thì người ta rất nhanh chóng thấy bên cạnh Hillel lúc nào cũng kè kè một người bạn không rời nửa bước, một người sẽ không ai tin là lại có thực nếu như không biết: anh tên là Woodrow Finn – hay Woody như chúng tôi thường gọi – đẹp trai, khỏe mạnh, cao ráo, đa tài, chu đáo và luôn có mặt khi chúng tôi cần.

Woody nhanh chóng giành được vị trí của mình trong gia đình Goldman ở Baltimore, anh vừa trở thành một thành viên của gia đình đó, vừa là một thành viên nhà tôi – một người cháu họ, một đứa con trai, một người anh em. Sự tồn tại của anh – sự hòa nhập tuyệt đối của anh – hiển nhiên tới mức mà khi không thấy anh trong buổi đoàn tụ gia đình thì ngay lập tức chúng tôi sẽ hỏi xem anh đâu rồi. Chúng tôi lo lắng không biết Woody có đến không, coi sự có mặt của Woody không chỉ là cho phải phép mà còn là dứt khoát cần thiết, để cuộc sum vầy trọn vẹn. Nếu hỏi bất kì aicòn nhớ những ngày xưa ấy xem gia đình Goldman ở Baltimore có những ai thì họ đều kể tên Woody mà không hề lăn tăn gì. Vậy là họ lại chiến thắng: trong trận đấu giữa Montclair với Baltimore, khi hai bên đang là ba đều thì tỉ số đã được nhanh chóng nâng lên 4-3 nghiêng về phía Baltimore.

Woody, Hillel và tôi là nhữngngười bạn thân thiết nhất trên đời. Những tháng năm tươi đẹp của tôi với nhà Baltimore là khi có Woody, trong những năm 1990-1998. Đây vừa là những năm tháng đầy phước lành, lại cũng là những năm tháng tạo nền tảng cho Thảm kịch sau này. Từ hồi lên mười đến khi mười tám tuổi, chúng tôi là bộ ba tuyệt đối không bao giờ tách rời. Chúng tôi giống như kiềng ba chân, bộ tam mà chúng tôi rất đỗi tự hào gọi là “Hội Goldman”. Chúng tôi yêu quý nhau như anh em ruột thịt,chúng tôi trao cho nhau những lời tuyên thệ trọng thể nhất, chúng tôi hòa máu thề mãi trung thành, giữ vững tình huynh đệ vĩnh cửu. Mặc cho tất cả những điều diễn ra sau đó, tôi vẫn tưởng nhớ những năm tháng này như một thời kì đặc biệt: thời kì huy hoàng của ba thiếu niên trên đất Mỹ được thánh thần ban phước.

Leave a Reply